Giải pháp đẩy nhanh gói tín dụng 30.000 tỷ đồng

Gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng của Chính phủ đã bước sang năm thứ 3, nhưng tiến độ giải ngân mới trên 20% trong khi thời gian chỉ còn hơn 1 năm theo quy định của Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/201..

Gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng của Chính phủ đã bước sang năm thứ 3, nhưng tiến độ giải ngân mới trên 20% trong khi thời gian chỉ còn hơn 1 năm theo quy định của Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013.

Chính vì vậy, các tổ chức, cơ quan chức năng và doanh nghiệp lo lắng sẽ không đạt như kỳ vọng để hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức lực lượng vũ trang và người thu nhập thấp tiếp cận nhà ở. Nhiều giải pháp được đưa ra để đẩy nhanh tiến độ giải ngân của gói tín dụng ưu đãi này, trong đó Hiệp hội BĐS TP HCM (Horea) cũng đã đưa ra những đề xuất của mình.

Khó khăn trong giải ngân

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Horea cho biết, nguyên nhân của việc giải ngân chậm là do các tỉnh thành triển khai thận trọng và chặt chẽ, vì đây là chủ trương lớn của Chính phủ, mang tính an sinh xã hội cao.


Ông Lê Hoàng Châu đề nghị thời gian vay gói 30.000 tỷ đồng đối với nhà ở xã hội là 20 năm và nhà ở thương mại là 15 năm.

Chính phủ đã cho phép chuyển đổi các dự án nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội hoặc chia căn hộ lớn thành căn hộ vừa và nhỏ, nhưng các địa phương rất thận trọng khi xem xét giải quyết các nhu cầu này của doanh nghiệp. Bên cạnh đó cơ chế, thủ tục để giải quyết cho người có thu nhập thấp đô thị tiếp cận gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng còn nhiêu khê, đặc biệt là chứng minh khả năng tài chính để trả nợ vay; nguồn cung nhà ở theo quy định còn rất khan hiếm, chưa đáp ứng nhu cầu rất lớn của cán bộ, công chức, viên chức lực lượng vũ trang và người thu nhập thấp đô thị.

Đối tượng thụ hưởng gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng là người dân và doanh nghiệp. Nhưng doanh nghiệp muốn tiếp cận gói tín dụng 30.000 tỷ phải đảm bảo các điều kiện theo quy định, như không vướng vào nợ xấu, được chính quyền địa phương cho chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội, hoặc xin chuyển đổi căn hộ lớn thành căn hộ vừa và nhỏ…

Tại TP HCM, năm 2014 mới có 8/11 dự án được chấp thuận chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội (có một số dự án kết hợp đồng thời chia nhỏ căn hộ) và 9/24 dự án được chuyển đổi căn hộ lớn thành căn hộ vừa và nhỏ.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ cũng không cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ (dưới 70m2/căn, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, hoặc có tổng giá bán dưới 1,050 tỷ đồng/căn) được vay vốn từ nguồn ưu đãi 30.000 tỷ đồng, nên có nhiều dự án dở dang không đủ vốn để tiếp tục hoàn thiện sản phẩm cung ứng cho thị trường.

Công tác xác nhận thực trạng nhà ở của các đối tượng thụ hưởng cũng gây khó khăn cho cơ quan đơn vị và người xác nhận. Bởi cho cơ quan đơn vị, người ký xác nhận phải chịu trách nhiệm về nội dung xác nhận và chỉ xác nhận một lần.

Đồng thời, điều kiện xác định người thu nhập thấp có mức thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân (09 triệu đồng/tháng) lại không đủ điều kiện để chứng minh khả năng tài chính theo quy định của ngân hàng, do vậy không đủ điều kiện được vay để mua nhà…

Giải pháp để thúc đẩy giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng ưu đãi của Chính phủ, Horea đề xuất với cơ quan chức năng: Khi xác nhận tình trạng nhà ở, chỉ cần người khai báo tình trạng nhà đất phải chịu trách nhiệm về nội dung khai báo trước khi được thủ trưởng đơn vị xác nhận.

Nghị định 188/2013 của Chính phủ và các văn bản liên quan về phát triển và quản lý nhà ở xã hội đã quy định việc thế chấp bất động sản hình thành trong tương lai để đảm bảo khoản vay, nên không cần quy định người thu nhập thấp phải có mức thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân.

Người có thu nhập thấp chỉ cần hội đủ những điều kiện như quy định tại mục 5 Thông tư 17/2014/TT-BXD của Bộ Xây dựng là được vay gói 30.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, người vay cũng không cần phải chứng minh thu nhập khác, bởi lẽ đã có tài sản đảm bảo cho khoản vay mua nhà, chính là căn hộ hình thành trong tương lai mà người có thu nhập thấp đã ký hợp đồng mua.

Ngân hàng chỉ cần yêu cầu người vay có văn bản cam kết trả nợ đúng hạn theo hợp đồng vay, hoặc ghi rõ cam kết này trong hợp đồng vay.

Ông Lê Hoàng Châu đề nghị thời gian vay gói 30.000 tỷ đồng đối với nhà ở xã hội là 20 năm và nhà ở thương mại là 15 năm. Hộ gia đình, cá nhân trả gốc, lãi theo định kỳ hàng tháng, số tiền trả nợ gốc mỗi tháng bằng số tiền vay chia đều cho số tháng phải trả nợ gốc và được phép thực hiện trả nợ gốc, lãi kể từ tháng thứ 6 (kể từ ngày ký hợp đồng vay) trở đi.

“Đây là thời gian “ân hạn” rất có ý nghĩa, tạo điều kiện cho người thu nhập thấp tích luỹ tài chính để thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi vay”, ông Châu nhấn mạnh.

Với tình hình kinh tế ổn định như hiện nay, ông Châu cũng đề nghị Chính phủ hạ mức lãi suất cho người vay ưu đãi mua nhà ở xã hội xuống mức khoảng 3% - 03,5%/năm để thiết thực hỗ trợ người tiêu dùng. Còn nhà ở thương mại áp dụng mức lãi suất từ 4 - 4,5%/năm cho năm 2015 sẽ phù hợp hơn.

Để tăng thêm nguồn cung nhà ở cho đối tượng có thu nhập thấp thì cơ quan chức năng tạo điều kiện cho doanh nghiệp đang đầu tư dự án nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ (dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, hoặc có tổng giá bán căn hộ dưới 1,050 tỷ đồng) được vay vốn ưu đãi để hoàn thiện nhà, góp phần tăng sản phẩm cho thị trường và giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu.

Riêng doanh nghiệp vướng nợ xấu, nhưng có dự án nhà ở thương mại hoặc nhà ở xã hội đáp ứng các điều kiện của gói tín dụng ưu đãi thì vẫn được vay ưu đãi, nhưng ngân hàng có những biện pháp quản lý dòng tiền vay, để đảm bảo doanh nghiệp sử dụng đúng mục đích nhằm hoàn thành căn hộ bàn giao cho khách hàng.

Theo báo xây dựng

Xem thêm trong Tin tức

Vnrea.vn - Hiệp Hội Bất Động Sản Việt Nam

Email: vnrea.vp@gmail.com - Điện thoại: 024 62932028

Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà Cung Triển Lãm Kiến Trúc Quy Hoạch Xây Dựng Quốc Gia, 01 Đỗ Đức Dục, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội