Giới thiệu Hiệp hội BĐS Việt Nam
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, mà tiền thân là Hiệp hội Bất động sản nhà đất Việt Nam
HIỆP HỘI BẤT ĐỘNG SẢN VIỆT NAM
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, mà tiền thân là Hiệp hội Bất động sản nhà đất Việt Nam được thành lập căn cứ vào quyết định số 37/2002/QĐ-BTCCBCP ngày 13/08/2002 của Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ. Với quyết định số 673/QĐ-BNV ngày 18/06/2010 của Bộ Nội Vụ đã cho phép đổi tên Hiệp hội Bất động sản nhà đất Việt Nam thành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.
TÔN CHỈ MỤC ĐÍCH
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam là tổ chức xã hội – nghề nghiệp của các tổ chức và công dân Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học – kỹ thuật, tư vấn, đầu tư nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, chuyển giao khoa học công nghệ và dịch vụ thương mại theo quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản của Việt Nam, tự nguyện thành lập, không vụ lợi nhằm mục đích hợp tác, liên kết hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau trong việc phát triển các hoạt động nghề nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên, góp phần vào việc xây dựng và phát triển bền vững ngành, lĩnh vực bất động sản của Việt nam, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; trên cơ sở đó hội nhập với các tổ chức hoạt động trong ngành, lĩnh vực này trong khu vực và trên thế giới theo quy định của pháp luật.
CHỨC NĂNG HIỆP HỘI
- Tuyên truyền, vận động, tập hợp hội viên tham gia tích cực các hoạt động liên quan đến lĩnh vực bất động sản của Việt Nam theo quy định của pháp luật.
- Đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên trong các hoạt động liên quan đến ngành, lĩnh vực hoạt động của Hiệp hội theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hiệp hội.
- Tư vấn, phản biện những nội dung liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hiệp hội theo quy định của pháp luật; làm cầu nối giữa các hội viên của Hiệp hội với các cơ quan hữu quan nhằm giải quyết các vấn đề có liên quan đến hoạt động của Hiệp hội trong khuôn khổ pháp luật quy định.
- Hỗ trợ hội viên trong việc ổn định, mở rộng và phát triển các hoạt động nghiên cứu khoa học – kỹ thuật, tư vấn, đầu tư nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, chuyển giao khoa học công nghệ và dịch vụ thương mại theo quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hiệp hội.
- Xúc tiến công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật, tư vấn, đầu tư nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ và dịch vụ thương mại; tư vấn, tổ chức, hợp tác tổ chức hội nghị, hội thảo về ngành, lĩnh vực liên quan đến hoạt động của Hiệp hội theo quy định của pháp luật.
NHIỆM VỤ HIỆP HỘI
- Tập hợp, đoàn kết các hội viên trong Hiệp hội để xây dựng, phát triển Hiệp hội vững mạnh, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của Hiệp hội nhằm phát triển ngành, lĩnh vực liên quan đến hoạt động của Hiệp hội, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
- Đại diện, làm đầu mối liên hệ cho hội viên trong việc nghiên cứu, tổng hợp ý kiến của các hội viên để tham gia, kiến nghị với các cơ quan nhà nước về các chủ trương, chính sách liên quan đến ngành, lĩnh vực hoạt động của Hiệp hội theo quy định của pháp luật.
- Bảo vệ quyền lợi hợp pháp và tạo điều kiện để các đơn vị, tổ chức là hội viên tiếp cận với các tổ chức quốc tế theo quy định của pháp luật.
- Cập nhật và cung cấp cho hội viên về chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến ngành, lĩnh vực hoạt động của Hiệp hội giúp các hội viên phòng tránh được các rủi ro trong hoạt động nghiên cứu, khoa học kỹ thuật, tư vấn, đầu tư nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ và dịch vụ thương mại theo quy định của pháp luật.
- Hướng dẫn, giám sát các hội viên tuân thủ pháp luật, chế độ, chính sách của Nhà nước và Điều lệ, quy chế, quy định của Hiệp hội.
- Giới thiệu thành tựu và năng lực của các hội viên.
- Tổ chức các hoạt động dịch vụ liên quan đến lĩnh vực, phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của Hiệp hội theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hiệp hội để tạo nguồn thu cho Hiệp hội.
- Mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức trong nước và các tổ chức quốc tế theo quy định của pháp luật nhằm tranh thủ các điều kiện để phát triển ngành, lĩnh vực liên quan đến hoạt động của Hiệp hội.
- Quản lý và sử dụng các nguồn kinh phí của Hiệp hội theo đúng quy định của pháp luật.
- Xuất bản các ấn phẩm (nếu có) của Hiệp hội theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện các công việc khác khi được cơ quan Nhà nước Việt Nam yêu cầu.
QUI MÔ HIỆP HỘI
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam có 4 Hiệp hội thành viên (Hiệp hội BĐS Hải Phòng, Hiệp hội BĐS Đông Nai, Hiệp hội BĐS TP Cần Thơ, Hiệp hội BĐS Đà Nẵng) và 5 đơn vị trực thuộc (Chi hội BĐS du lịch Việt Nam, Chi hội BĐS môi giới Việt Nam, CLB BĐS Hà nội, Trung tâm tư vấn và xúc tiến đầu tư BĐS VN, Tạp chí BĐS nhà đất Việt Nam) nâng tổng số hội viên lên 1.340 hội viên.
ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN HIỆP HỘI
Hệ thống lại các mục tiêu nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Nhiệm kỳ III – Hiệp hội bất động sản Việt Nam, trên cơ sở đó xác định chi tiết từng nội dung mục tiêu để làm cơ sở thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ mà Đại hội nhiệm kỳ đã đề ra trong thời gian từ tháng 8/2014 đến khi đại hội nhiệm kỳ IV năm 2016, bao gồm các mục tiêu cụ thể sau:
- Giữ vững đoàn kết nội bộ, tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động; nâng cao hơn nữa chất lượng các mặt công tác; phát huy năng lực điều hành của Ban Chấp hành; chú trọng việc tập hợp hội viên; huy động sức mạnh tập thể hội viên tập trung tổ chức thành công các sự kiện của Hiệp hội và hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội.
- Nâng cao chất lượng, làm đa dạng hóa các hoạt động của Hiệp hội nhằm phục vụ tốt nhất các nhu cầu hợp pháp và chính đáng của Hội viên. Tạo ra “sân chơi” hấp dẫn, có lợi ích cao của cộng đồng doanh nghiệp bất động sản nhằm ngày một nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp theo hướng phát triển bền vững.
- Nâng cao hiệu quả trong hoạt động phản biện chính sách nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên và tham mưu cho Nhà nước trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo phù hợp với thực tiễn thị trường.
- Nâng cao tính thống nhất, kỷ luật, hiệu quả và tính hệ thống trong toàn thể bộ máy, mạng lưới Hiệp hội từ Thường trực, Thường vụ, Ban chấp hành và cơ quan của Trung ương hội, đến các Hiệp hội thành viên, các đơn vị trực thuộc và toàn thể Hội viên để Hiệp hội hoạt động một cách hiệu quả, bền vững.