Thông tư quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng

Ngày 25/7, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 10/2013/TT-BXD về việc quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Đối tượng áp dụng là các tổ chứ..

Ngày 25/7, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 10/2013/TT-BXD về việc quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng.


Đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan đến công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam.

Thông tư này gồm 5 chương và 36 điều quy định về quản lý chất lượng khảo sát xây dựng và thiết kế xây dựng công trình; Quản lý chất lượng thi công xây dựng công trình, phân cấp sự cố trong quá trình thi công xây dựng và khai thác, sử dụng công trình; Quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng.

Về quản lý chất lượng khảo sát xây dựng và thiết kế xây dựng công trình: Theo quy định của Thông tư thì trình tự thực hiện và quản lý chất lượng khảo sát xây dựng và thiết kế xây dựng công trình bao gồm 8 bước là: Nhiệm vụ khảo sát xây dựng; Phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng; Giám sát công tác khảo sát xây dựng; Báo cáo kết quả khảo sát xây dựng; Nghiệm thu báo cáo kết quả khảo sát xây dựng; Nhiệm vụ thiết kế xây dựng công trình; Yêu cầu về việc tự kiểm soát chất lượng thiết kế và quy cách hồ sơ thiết kế xây dựng công trình; Nghiệm thu hồ sơ thiết kế xây dựng công trình.

Về quản lý chất lượng thi công xây dựng công trình, phân cấp sự cố trong quá trình thi công xây dựng và khai thác, sử dụng công trình: Trình tự thực hiện bao gồm 16 bước: Kế hoạch và biện pháp kiểm soát chất lượng công trình trong giai đoạn thi công xây dựng; Quản lý chất lượng vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình; Nhật ký thi công xây dựng công trình và bản vẽ hoàn công; Chế độ giám sát thi công xây dựng công trình và giám sát tác giả của nhà thầu thiết kế xây dựng công trình; Nghiệm thu công việc xây dựng; Nghiệm thu giai đoạn thi công xây dựng hoặc bộ phận công trình xây dựng; Nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình hoặc công trình xây dựng để đưa vào sử dụng; Bàn giao hạng mục công trình xây dựng, công trình xây dựng; Kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng theo quy định tại Điều 32 Nghị định 15/2013/NĐ-CP; Thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng theo quy định tại Điều 32 Nghị định 15/2013/NĐ-CP; Thí nghiệm đối chứng, kiểm định chất lượng, thí nghiệm khả năng chịu lực của kết cấu công trình trong quá trình thi công xây dựng; Hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng; Lưu trữ hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng; Hướng dẫn giải quyết tranh chấp về chất lượng công trình xây dựng; Báo cáo của chủ đầu tư cho cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng; Phân cấp sự cố trong quá trình thi công xây dựng và khai thác, sử dụng công trình;

Tại Điều 17 của Thông tư đã quy định cụ thể việc quản lý chất lượng vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình. Theo đó, chủ đầu tư bên mua sản phẩm có trách nhiệm tổ chức kiểm tra và chấp thuận nguồn của sản phẩm trước khi sử dụng, lắp đặt vào công trình xây dựng. Hình thức kiểm soát chất lượng sản phẩm được quy định như sau:

Đối với các sản phẩm được sản xuất công nghiệp và đã là hàng hóa trên thị trường: Chủ đầu tư và bên mua sản phẩm kiểm tra xuất xứ, nhãn mác hàng hóa, công bố sự phù hợp về chất lượng của nhà sản xuất, chứng nhận hợp quy, chứng nhận hợp chuẩn (nếu cần) theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Thương mại và các quy định pháp luật khác có liên quan. Chủ đầu tư hoặc bên mua có thể tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất hàng hóa hoặc yêu cầu thí nghiệm kiểm chứng, kiểm định chất lượng hàng hóa khi cần thiết theo thỏa thuận trong hợp đồng. Cơ sở sản xuất, cung ứng hàng hóa, sản phẩm có trách nhiệm cung cấp các chứng chỉ, chứng nhận và các giấy tờ khác có liên quan theo quy định cho bên mua nhằm chứng minh xuất xứ hàng hóa và chất lượng hàng hóa;

Đối với các sản phẩm được sản xuất, chế tạo riêng cho công trình xây dựng theo yêu cầu của thiết kế: Trường hợp sản phẩm được sản xuất, chế tạo tại các cơ sở sản xuất công nghiệp thì chủ đầu tư hoặc bên mua kiểm tra chất lượng như quy định tại Điểm a Khoản này kết hợp với việc kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất trong quá trình sản xuất. Trường hợp sản phẩm được sản xuất, chế tạo trực tiếp tại công trường, chủ đầu tư hoặc tổng thầu tổ chức kiểm tra giám sát công tác sản xuất, chế tạo như các công việc xây dựng khác theo quy định;

Đối với các vật liệu xây dựng được khai thác tại mỏ: Chủ đầu tư và nhà thầu cung ứng vật liệu tổ chức điều tra khảo sát chất lượng và trữ lượng của mỏ theo yêu cầu của thiết kế, quy chuẩn và các tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan; kiểm tra định kỳ, đột xuất trong quá trình khai thác;

Các bên có liên quan phải thực hiện thí nghiệm, kiểm định chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của thiết kế, quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho công trình.

Thông tư cũng quy định chế độ giám sát thi công xây dựng công trình và giám sát tác giả của nhà thầu thiết kế xây dựng công trình. Theo đó, mọi công trình xây dựng trong quá trình thi công phải được thực hiện chế độ giám sát. Khuyến khích việc thực hiện chế độ giám sát đối với thi công xây dựng nhà ở riêng lẻ. Chủ đầu tư xây dựng công trình thuê tư vấn giám sát hoặc tự thực hiện giám sát khi có đủ điều kiện năng lực hoạt động giám sát thi công xây dựng công trình. Người thực hiện việc giám sát thi công xây dựng phải có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng phù hợp với công việc xây dựng, loại, cấp công trình. Người giám sát thi công xây dựng của chủ đầu tư, doanh nghiệp dự án hoặc tổng thầu có trách nhiệm thực hiện các nội dung quy định tại Nghị định 15/2013/NĐ-CP và các quy định tại Thông tư này trong quá trình giám sát thi công xây dựng công trình.

Chế độ giám sát tác giả là người có đủ năng lực để thực hiện giám sát tác giả theo quy định trong quá trình thi công xây dựng; Khi phát hiện thi công sai với thiết kế, người giám sát tác giả phải ghi nhật ký thi công xây dựng công trình yêu cầu thực hiện đúng thiết kế và có văn bản thông báo cho chủ đầu tư; Nhà thầu thiết kế xây dựng công trình có trách nhiệm tham gia nghiệm thu công trình xây dựng khi có yêu cầu của chủ đầu tư. Qua công tác giám sát tác giả hoặc trong quá trình tham gia nghiệm thu, nếu phát hiện hạng mục công trình, công trình xây dựng không đủ điều kiện nghiệm thu thì nhà thầu thiết kế xây dựng công trình phải có văn bản gửi chủ đầu tư, trong đó nêu rõ lý do không đủ điều kiện nghiệm thu.

Về quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng: Theo quy định của Thông tư có 3 bước gồm: Kiểm tra định kỳ, đột xuất của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng; Báo cáo về tình hình chất lượng và công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng; Xử lý vi phạm về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 9 tháng 9 năm 2013 và thay thế Thông tư số 27/2009/TT-BXD ngày 31/7/2009 hướng dẫn một số nội dung về Quản lý chất lượng công trình xây dựng; các nội dung về chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực, chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng quy định tại Thông tư 03/2011/TT-BXD ngày 06/4/2011 về hướng dẫn hoạt động kiểm định, giám định và chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực, chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng; Thông tư số 02/2006/TT-BXD ngày 17/5/2006 Hướng dẫn lưu trữ hồ sơ thiết kế, bản vẽ hoàn công công trình xây dựng của Bộ Xây dựng.

Trung tâm Thông tin
Nguồn: Thông tư 10/2013/TT-BXD.

Xem thêm trong Tin tức

Vnrea.vn - Hiệp Hội Bất Động Sản Việt Nam

Email: vnrea.vp@gmail.com - Điện thoại: 024 62932028

Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà Cung Triển Lãm Kiến Trúc Quy Hoạch Xây Dựng Quốc Gia, 01 Đỗ Đức Dục, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội