Hiệp hội Bất động sản Việt Nam “vui mừng khi thị trường khởi sắc và lo âu khi thị trường trầm lắng”

Nhìn lại thị trường bất động sản, có thể thấy Hiệp hội Bất động sản Việt Nam được thành lập kịp thời ngay từ khi thị trường bất động sản có khung pháp luật đủ cho phát triển.

Hiệp hội đã quan tâm tới đủ các phân khúc của thị trường, đủ các hoạt động tạo lập và kinh doanh bất động sản, đủ các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường tác động vào bất động sản. Hiệp hội cũng gắn hoạt động của mình với hoạt động của thị trường bất động sản, vui mừng khi thị trường khởi sắc, và lo âu khi thị trường trầm lắng.

********

Nhìn lại, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã trải qua hành trình 20 năm kể từ ngày thành lập. Cũng vất vả như cách tiếp nhận khái niệm bất động sản, trong đó có khái niệm đất đai, trong các nền kinh tế chuyển đổi từ bao cấp sang thị trường. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 6 quyết định đổi mới (1986), Đại hội 7 (1991) quyết định tiếp nhận cơ chế thị trường nhiều thành phần kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa, Đại hội 8 (1996) quyết định thị trường bất động sản là một trong ba thị trường đầu vào của nền kinh tế (hai thị trường còn lại là nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực).

Theo Luật Đất đai 1993, các doanh nghiệp thực hiện đầu tư trên đất chỉ được thuê đất của Nhà nước, không làm nữa thì trả lại Nhà nước, tức là không có thị trường bất động sản cho các tổ chức kinh tế. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai (1993) được ban hành vào năm 1996 đã có những thay đổi bước đầu quan trọng, đã mở ra cơ chế thị trường đầy đủ cho các doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở, dự án phát triển khu công nghiệp và dự án đổi đất lấy hạ tầng, các doanh nghiệp thuê đất của Nhà nước nếu còn thời hạn sử dụng trên 5 năm đều được quyền chuyển nhượng cho các doanh nghiệp khác. Đến Luật Đất đai 2003, các tất cả tổ chức kinh tế đầu tư bất động sản đều được tham gia thị trường bất động sản hoàn chỉnh.

Nhìn lại lịch sử cho thấy, kể từ khi đổi mới cũng phải mất 10 năm khái niệm thị trường bất động sản mới được chính thức hình thành và mất tới 17 năm, các dự án đầu tư bất động sản mới có khung pháp luật. Từ 2003 tới nay, thị trường bất động sản ở ta có lúc thăng, lúc trầm, có lúc sốt giá, lúc trầm lắng, có người làm nên sự nghiệp và cũng có người sạt nghiệp do đầu tư bất động sản,... Một năm trước 2003, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã được thành lập với sứ mệnh của một tổ chức xã hội nghề nghiệp, gắn kết các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương với những doanh nghiệp bất động sản, người dân đầu tư bất động sản và mọi cộng đồng dân cư, hộ gia đình, người dân muốn có bất động sản để sử dụng.

Trong một nền kinh tế thị trường, bất động sản gắn với thị trường đầu vào của nền kinh tế, gắn với kinh doanh bất động sản của doanh nghiệp, của người dân; gắn với những vấn đề xã hội ở tầm lớn như nhà ở cho dân yếu kém về tài chính, nhà đất cho cộng đồng cư dân sử dụng nhất là các dân tộc thiểu số, chuyển dịch đất đai để có đất cho đầu tư bất động sản; gắn với những vấn đề môi trường như bất động sản xanh, con người sống trong thiên nhiên, tăng cường khả năng chống chịu của các khu dân cư trước các tai biến thiên nhiên; và cả việc nâng cao chất lượng cuộc sống tại các căn nhà thông minh, nơi nghỉ dưỡng thông minh, thành phố thông minh… Nói chung, bất động sản đã len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống con người. Có mặt đất, có con người là có bất động sản và bất động sản cũng đã làm nên những bước phát triển thần kỳ và cũng đã gây ra những khủng hoảng tiền tệ, tài chính, kinh tế ở ngay tại các quốc gia có nền kinh tế mạnh mẽ nhất.

Bất động sản đã len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống con người (Ảnh minh họa)

Tôi vẫn nhớ câu chuyện như một kỷ niệm đẹp. Khi Nhạc sĩ Phú Quang chưa ra đi, chúng tôi cũng hay ngồi cafe phin kiểu Pháp, anh em tìm chút ít thời gian để đàm đạo sự đời. Có một lần, nhạc sĩ kể chuyện rằng ông muốn bán căn nhà cũ để phụ thêm ít tiền mà mua căn nhà khá hơn. Rồi có người đến hỏi mua, nhạc sĩ cũng nói thách giá cao hơn thực tế để người mua trả thấp đi là vừa. Người mua nói đồng ý luôn với giá đó, đặt toàn bộ tiền ngay, nhưng với điều kiện cho xin chữ ký để khắc lên bảng đá gắn lên tường, ghi nhận mình ở căn nhà trước đây Phú Quang đã ở. Nhạc sĩ nói với tôi “tớ đồng ý ngay, một chữ ký chứ mười chữ cũng được, không ngờ mình chẳng có quyền lực gì mà ký cũng ra vài trăm triệu…”. Tôi cũng cười rồi nói rằng quyền lực của anh nằm ở các tác phẩm âm nhạc để đời; từ lời ca “không có người, mặt đất quá hoang vu” trong ca khúc “Điều giản dị” của anh có thể suy ra “vậy có người mặt đất sẽ toàn bất động sản!”; mỗi bất động sản luôn gắn với thân phận một con người… Chúng ta hãy ngẫm nghĩ xem, bất động sản là tất cả những gì con người tạo ra trên bề mặt đất để phục vụ cho mình. Sự đặc biệt ở đây là những thứ gắn với đất là gắn với hành tinh này, lâu dài, số lượng có hạn và giá trị ngày càng cao.

Nhìn lại thị trường bất động sản, có thể thấy Hiệp hội bất động sản Việt Nam được thành lập kịp thời ngay từ khi thị trường bất động sản có khung pháp luật đủ cho phát triển. Hiệp hội đã quan tâm tới đủ các phân khúc của thị trường, đủ các hoạt động tạo lập và kinh doanh bất động sản, đủ các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường tác động vào bất động sản. Hiệp hội cũng gắn hoạt động của mình với hoạt động của thị trường bất động sản, vui mừng khi thị trường khởi sắc, và lo âu khi thị trường trầm lắng. Mọi biến động của thị trường bất động sản đều được Hiệp hội bàn bạc, tổ chức hội thảo để đưa ra những kiến nghị hợp lý. Hiệp hội được đánh giá có tính năng động cao với vai trò là cánh tay nối hệ thống quản lý nhà nước với thực tế phát triển của doanh nghiệp bất động sản, với ý nguyện của người dân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư. Hiệp hội có các Hiệp hội thành viên cấp tỉnh nơi có thị trường bất động sản phát triển. Hiệp hội là nơi chuyển tải hiệu quả nhất các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới từng góc xa xôi nhất của thị trường.

Chức năng thông tin, phổ biến kiến thức, chính sách, pháp luật được Hiệp hội trao cho Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam. Tạp chí bắt đầu hoạt động từ 2016, được coi là tờ tạp chí hiệu quả nhất trong các tạp chí đóng vai trò cơ quan ngôn luận của các hiệp hội. Tạp chí tham gia vào mọi phương thức thông tin của Hiệp hội, trợ giúp cho các đề tài nghiên cứu khoa học, đăng tải thông tin về thực tế của thị trường, nêu ra những kinh nghiệm hay cũng như những nhược điểm trong phát triển. Điều quan trọng hơn cả, Tạp chí đã thu hút được sự quan tâm, hợp tác của nhiều chuyên gia có chất lượng về muôn mặt của thị trường bất động sản. Tạp chí đã thường xuyên xuất bản những ấn phẩm có giá trị về thị trường bất động sản.

Năm nay, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam được tròn 20 tuổi, bước vào Đại hội nhiệm kỳ V, và Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam cũng bước sang tuổi thứ 6. Thị trường bất động sản cũng còn quá nhiều việc phải làm cho phát triển đất nước. Bất động sản du lịch nói riêng và bất động sản thương mại nói chung mới được coi là trọng điểm, nhưng vẫn còn nhiều dở dang, cả về khung pháp luật lẫn đầu tư phát triển. Bất động sản công nghiệp cũng vậy, đang có nhiều dấu hiệu tích cực nhưng vẫn chưa gắn với mạch thị trường. Bất động sản nông nghiệp lại càng xa vời với cơ chế thị trường. Các cơ quan quản lý Nhà nước bị chia cắt quản lý tại nhiều bộ, ngành khác nhau, sự khâu nối quản lý chính là việc của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. Bước sang nhiệm kỳ mới, trách nhiệm của Hiệp hội giúp Nhà nước thống nhất các Bộ, ngành về quản lý thị trường bất động sản là việc đương nhiên. Mặt khác, hoạt động tạo lập dân sự, kinh doanh bất động sản cũng có nhiều khác nhau đối với các phân khúc bất động sản. Hy vọng nhiệm kỳ mới của Hiệp hội sẽ gánh vác được các nhiệm vụ trọng điểm này. Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam vẫn luôn là cơ quan năng động nhất giúp Hiệp hội mở rộng mọi hoạt động của mình.

Nhìn từ thời điểm này, chúng ta cùng kỳ vọng và chúc Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam những thành công mới, đóng góp mới hiệu quả cao hơn nữa cho thị trường bất động sản Việt Nam ngày càng phát triển hiệu quả và bền vững./.

Xem thêm trong Tin tức

Vnrea.vn - Hiệp Hội Bất Động Sản Việt Nam

Email: vnrea.vp@gmail.com - Điện thoại: 024 62932028

Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà Cung Triển Lãm Kiến Trúc Quy Hoạch Xây Dựng Quốc Gia, 01 Đỗ Đức Dục, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội